Trường Dự bị đại học TP. HCM – 40 năm xây dựng & phát triển

Trong di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đã căn dặn:  …“Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện  trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”… (Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trang 32 – NXB Chính trị Quốc gia, 1999).

Trong nhiều năm qua, Đảng và nhà nước ta luôn chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực đồng thời thực hiện tốt chủ trương bình đẳng về cơ hội học tập và các chính sách xã hội trong giáo dục. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo cũng đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo “Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách”.

Thực hiện di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục đã đề ra các chính sách phù hợp để đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển đất nước, trong đó có việc đào tạo các đối tượng thuộc diện ưu tiên, con em đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; đồng thời cử các học sinh xuất sắc đi du học nước ngoài để trở thành những cán bộ giỏi thuộc mọi lĩnh vực để xây dựng đất nước. Trong 40 năm qua, trường Dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh đã góp phần một cách hiệu quả vào việc thực hiện các chính sách trên của Đảng và Nhà nước.

Kỷ niệm 40 năm thành lập Trường là dịp để toàn thể giảng viên, cán bộ, viên chức ôn lại truyền thống tốt đẹp, những thành quả mà các thế hệ thầy, trò đạt được trong chặng đường đã qua. Từ đó, quyết tâm phấn đấu xây dựng Nhà trường hoàn thiện, đào tạo hiệu quả hơn trong thời gian tới.


PHẦN I
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ NHIỆM VỤ CỦA TRƯỜNG
DỰ BỊ ĐẠI HỌC TP. HỒ CHÍ MINH

Trước ngày 30/4/1975, tiền thân của trường Dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh là Viện đại học Cộng đồng Tiền Giang. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Hội đồng Chính phủ đã có Quyết định số 240/CP ngày 06/12/1976 chuyển Viện đại học Cộng đồng Tiền Giang thành trường Dự bị đại học Tiền Giang với cơ sở I tại TP. Hồ Chí Minh và cơ sở II tại tỉnh Tiền Giang.

Đến ngày 08/4/1982, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp có quyết định số 322/QĐ-KHTV đổi tên trường Dự bị đại học Tiền Giang thành trường Dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh, đặt cơ sở tại số 91 Nguyễn Chí Thanh, Phường 9, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh cho đến nay.

Từ ngày thành lập đến nay, Trường được giao thực hiện các nhiệm vụ:

  1. Tổ chức dạy Dự bị đại học cho các đối tượng đã tốt nghiệp THPT, thuộc chính sách ưu tiên trong tuyển sinh để họ đủ trình độ theo học ở các trường Đại học trong nước gồm :
    • Dự bị đại học chính quy do các Trường Đại học có chỉ tiêu Dự bị đại học chuyển đến với đối tượng là Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; Thương binh, Bộ đội, Công an, Thanh niên xung phong đã có quá trình công tác từ 5 năm trở lên; Cán bộ, công nhân có thành tích xuất sắc; Con liệt sĩ, con thương binh, con gia đình có công với cách mạng; con em các dân tộc thiểu số; thực hiện từ tháng 4 năm 1976 và đã có 35 khoá được đào tạo.
    • Dự bị đại học Dân tộc cho học sinh là dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo từ Ninh Thuận, Lâm Đồng trở vào đến Cà Mau; thực hiện từ năm 1990 đến nay là khoá 27.
    • Dự bị đại học Cử tuyển cho học sinh thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, chủ yếu là người dân tộc thiểu số ở các xã thuộc Chương trình 135 của Chính phủ; thực hiện từ năm 1998 đến nay đã qua 18 khoá.
    • Dự bị đại học cho học sinh tuyển thẳng theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Thủ Tướng Chính Phủ ban hành ngày 27 tháng 12 năm 2008 do các trường đại học, Cao đẳng gởi đến; thực hiện từ năm 2012 đến nay là khóa 5.
    • Dạy ngoại ngữ (tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Đức) cho đối tượng sinh viên đoạt giải Quốc tế, Quốc gia, sinh viên giỏi, cán bộ ưu tú được Nhà nước tuyển chọn đi du học ở nước ngoài gồm: Lưu học sinh, chuyển tiếp sinh, thực tập sinh và nghiên cứu sinh (từ Huế trở vào, hiện nay từ Đà Nẵng trở vào); Thực hiện từ năm 1977 đến nay.
  2. Dạy tiếng Việt và Dự bị đại học cho sinh viên Lào, Campuchia (do TP. Hồ Chí Minh kết nghĩa giúp đào tạo cho nước bạn) để đưa vào học tại các Trường Đại học ở TP. Hồ Chí Minh; thực hiện từ năm 2005 đến nay là khoá thứ 12.
  3. Ngoài ra, cũng từ năm 1976, Trường còn tích cực, chủ động mở thêm các loại hình đào tạo khác, tạo nguồn tuyển sinh vào các Trường Đại học, Cao đẳng cho các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh và Quân khu 7, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh và Khu vực phía Nam.

Trường Dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh đã trải qua chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, góp phần đáng kể vào việc đào tạo nguồn nhân lực trong nhiều lĩnh vực cho đất nước, đặc biệt là cho vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số…

Quay lên


PHẦN II
SỰ PHÁT TRIỂN VÀ THÀNH QUẢ 40 NĂM QUA CỦA TRƯỜNG
DỰ BỊ ĐẠI HỌC TP. HỒ CHÍ MINH

1. Về công tác đào tạo

Từ khi thành lập, trường Dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh đã được giao nhiệm vụ hết sức đặc thù và rất quan trọng. Đặc thù vì không như các trường Đại học, Cao đẳng và quan trọng vì đối tượng xét vào học là thành phần được ưu tiên trong đào tạo. Thành quả của Nhà trường qua 40 năm đã góp phần có ý nghĩa trong việc đào tạo nguồn nhân lực quan trọng không những cho đất nước, mà còn cho những nước bạn Lào, Campuchia, Mông Cổ.

Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp giao nhiệm vụ cho Trường tiếp tục đào tạo 444 sinh viên của Viện Đại học Cộng đồng Tiền Giang (tiền thân của trường Dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh) cho đến cuối năm 1977, số sinh viên này tốt nghiệp và được phân công tác về cơ quan các tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long. Đây được xem là nguồn nhân lực đầu tiên rất cần cho miền Nam những năm đầu sau giải phóng.

1.1. Hệ Dự bị đại học chính quy:

Từ tháng 4/1976, trường Dự bị đại học TP. HCM chính thức nhận nhiệm vụ dạy Dự bị đại học để đưa vào các trường Đại học, các đối tượng là Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Thương binh, Bộ đội, Công an, Thanh niên xung phong đã có quá trình công tác từ 5 năm trở lên; cán bộ, công nhân có thành tích xuất sắc; con liệt sĩ, con thương binh, con gia đình có công với cách mạng, con em các dân tộc thiểu số. Đây là thành phần gắn kết với cách mạng, với Đảng, là nguồn nhân lực rất quan trọng trong xây dựng đất nước, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Khoá đầu tiên (04 tháng) với 1.490 học viên, trong đó có hơn 80% là bộ đội vừa rời tay súng từ các chiến trường; kết thúc khoá học có 995 người thi đậu vào đại học (tỉ lệ 67%). Hệ Dự bị đại học phát triển với quy mô từ 1.500 đến 2.000 học viên hàng năm cho đến năm 1986 thì giảm dần, vì đối tượng theo học chỉ còn lại nhóm ưu tiên 1 (trước đây có cả nhóm ưu tiên 2). Năm học 2009 – 2010, hệ Dự bị đại học chỉ còn sinh viên của trường Đại học Kinh tế và đây là khoá học cuối cùng (khoá học thứ 35). Hệ Dự bị đại học đã đào tạo và đưa vào các trường Đại học 11.537 sinh viên để tiếp tục đào tạo đại học, sau đại học.

1.2. Hệ Dự bị đại học dân tộc

Thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị và Quyết định số 72/HĐBT ngày 13/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng “Về một số Chủ trương Chính sách lớn phát triển kinh tế – xã hội miền núi”. Từ năm học 1990 – 1991, trường Dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao thêm nhiệm vụ dạy Dự bị đại học cho đối tượng là con, em người Dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc từ tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng vào đến Cà Mau (Văn bản số 1160/KHTV ngày 15/6/1990). Khoá 1 hệ Dự bị đại học Dân tộc được bắt đầu ngay từ năm học 1990 – 1991 với 58 học sinh, kết quả có 52 học sinh được vào Đại học, Cao đẳng (tỉ lệ 90%). Chủ trương phù hợp đó đã lan toả rất nhanh, tạo ra động lực học tập mạnh mẽ trong cộng đồng dân tộc thiểu số, nên số lượng người học tăng nhanh nhờ vào hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú. Đến nay đã có nhiều học sinh dân tộc thiểu số có đủ trình độ thi đậu vào các trường Đại học, hệ Dự bị đại học Dân tộc dần dần chỉ ưu tiên cho học sinh ở các vùng khó khăn (khu vực 1), Tuy vậy chỉ tiêu hàng năm Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Trường vẫn liên tục tăng và ổn định trong 3 năm gần đây, đến hiện nay chỉ tiêu được giao là 790 học sinh/ năm. Qua 26 khoá đào tạo, Trường Dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và đào tạo 10.509 học sinh và đã đưa vào học ở các trường Đại học, Cao đẳng và TCCN 8998 học sinh. Như vậy, đã có hàng nghìn học sinh dân tộc được đào tạo trình độ đại học và phần lớn trở về địa phương là các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và ở đó, chính nguồn nhân lực này đã làm thay đổi cuộc sống, làm cho quê hương ngày một tươi đẹp, người dân có cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Trường Dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh rất tự hào có phần đóng góp vào một chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng

1.3. Hệ Dự bị đại học cử tuyển

Tiếp tục đầu tư, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương khó khăn, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường Dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh còn tiếp nhận và dạy Dự bị đại học cho số học sinh được Cử tuyển vào học ở các trường Đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Từ khoá học đầu tiên (năm học 1998 – 1999), hệ Dự bị đại học Cử tuyển gồm học sinh của trường Đại học

Kinh tế và trường Đại học Nông Lâm với 9 học sinh theo học, đến nay hệ Dự bị đại học Cử tuyển của Trường đã qua 18 khóa có 2849 học sinh được tiếp nhận trong đó chuyển vào đại học có 2072 học sinh của 12 trường Đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Trường Dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh cũng đã góp phần cùng các trường Đại học tại TP. Hồ Chí Minh đào tạo nguồn nhân lực rất cần thiết cho các địa phương khó khăn về kinh tế, văn hoá – xã hội, làm động lực cho phát triển và ổn định đời sống cho các địa phương này.

1.4. Hệ Dự bị đại học cho học sinh tuyển thẳng

Từ năm học 2012-2013 Trường cũng nhận đào tạo Dự bị đại học cho học sinh hệ tuyển thẳng (theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Thủ Tướng Chính Phủ ban hành ngày 27 tháng 12 năm 2008) do các trường Đại học, Cao đẳng gởi đến. Các học sinh diện này thuộc 62 huyện nghèo, khó khăn của cả nước và Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP là một chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước nhằm tạo điều kiện về giáo dục cho những học sinh thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay đã có 4 khóa với 199 học sinh theo học và đạt yêu cầu vào đại học được 125 học sinh. Việc đào tạo hệ tuyển thẳng theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Trường chính là thực hiện chủ trương công bằng xã hội, đặc biệt là công bằng trong giáo dục của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời  góp phần tạo thêm nguồn nhân lực thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, văn hoá – xã hội ở các vùng khó khăn.

1.5. Dạy ngoại ngữ

Từ năm học 1977 – 1978, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp giao nhiệm vụ cho trường Dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh dạy ngoại ngữ cho các đối tượng học giỏi được Nhà nước tuyển chọn đi học ở nước ngoài, gồm: Lưu học sinh, Chuyển tiếp sinh, Thực tập sinh, Nghiên cứu sinh. Do khách quan, việc dạy ngoại ngữ có những giai đoạn như sau: Từ 1977 đến 1991 du học ở Liên Xô và Đông Âu, từ 2001 đến 2003 học ở Cộng hoà Liên bang Nga. Số học viên du học ở Liên Xô, Đông Âu và Nga là 2.363. Ngoài ra, năm học 1992 – 1993 còn có 22 sinh viên đi du học ở Cộng hoà Liên bang Đức và từ 1993 đến 1996 Trường còn dạy tiếng Anh cho 150 sinh viên được tuyển chọn đi du học ở Úc. Trong các năm gần đây, Trường cũng tiếp tục dạy tiếng Nga cho lưu học sinh du học tại Nga theo diện học bổng Hiệp định, chương trình Hợp tác hoặc Xử lý nợ, … với số lượng hàng năm từ 20 đến 50 sinh viên. Qua 40 năm, trường Dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh là nơi duy nhất ở phía Nam được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ dạy ngoại ngữ cho các đối tượng đi học ở nước ngoài. Số lượng học viên đã học ngoại ngữ tại Trường đến nay khoảng 2.700 người.

1.6. Dạy Tiếng Việt và Dự bị đại học cho Lưu học sinh nước ngoài

Từ năm học 2005 – 2006, được sự tin tưởng của Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh cũng như của Tổng lãnh sự quán một số nước tại TP. Hồ Chí Minh, trường Dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh  dạy tiếng Việt và Dự bị đại học cho Lưu học sinh các nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia, Mông Cổ, … Qua 11 khoá đào tạo, có 771 các sinh viên nước ngoài đến học tiếng Việt và chương trình Dự bị đại học tại Trường Dự bị đại học TP.Hồ Chí Minh trong đó có 734 được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa tiếng Việt và được vào học đại học, sau đại học ở các trường Đại học tại Việt Nam. Số lượng này là không nhiều so với sinh viên nước ngoài đang học ở Việt Nam, nhưng đã mở ra mối quan hệ hợp tác Quốc tế giữa Trường với một số nước trong khu vực, Trường cũng rất tự hào được góp phần đào tạo sinh viên cho nước bạn Lào, Campuchia, Mông Cổ, … đồng thời là cùng tiếp tục xây dựng mối đoàn kết, gắn bó với các nước bạn gần gũi, truyền thống lâu đời của Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường 40 năm, trường Dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh  đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, trên đại học ở trong và ngoài nước thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, phục vụ trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương trên cả nước. Có người là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú; có người là Chủ tịch, Phó chủ tịch tỉnh, … ; có người là đại diện Quốc Hội, là Uỷ viên Trung ương Đảng, …; có người là doanh nhân thành đạt, người quản lý giỏi, … Và, dù ở cương vị nào, mỗi người đều đem hết sức lực, tài năng và trí tuệ của bản thân góp phần xây dựng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam, thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

2. Về xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới giảng dạy và nghiên cứu khoa học

Trong 40 năm, đội ngũ cán bộ của Trường cũng có nhiều biến động, Từ đội ngũ hơn 200 cho đến nay trong biên chế của Trường chỉ còn 57 người, trong đó có 34 giảng viên, 32 cán bộ, viên chức là nữ. Số giảng viên có trình độ sau đại học là 29, tỷ lệ 85,29%, gồm có 02 Tiến sỹ, 27 Thạc sỹ; hiện còn 01 giảng viên là nghiên cứu sinh tiến sỹ, 1 người học thạc sỹ.

Trải qua các giai đoạn khó khăn của Nhà trường, đội ngũ cán bộ, viên chức đa số gắn bó với Trường, có chuyên môn vững, tâm huyết và yêu nghề; luôn đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau; giữ vững sự ổn định về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thương yêu học sinh – sinh viên, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Do là một Trường nhỏ nên tổ chức bộ máy của Trường cũng gọn nhẹ, gồm Ký túc xá; 4 phòng: Đào tạo, Tổ chức Hành chính Chính trị, Tài vụ, Quản trị thiết bị; 7 bộ môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Các môn khoa học xã hội, Tin học và Ngoại ngữ.

Trong 40 năm qua, Nhà trường luôn chú ý đầu tư đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng, chủ động thiết kế, đề xuất nội dung chương trình các môn học dự bị đại học, các bộ môn cũng biên soạn tài liệu tóm tắt lý thuyết và bài tập các môn Toán học, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Văn học, Sử học, Địa lý, Tin học và Ngoại ngữ, trình bày dạng chuyên đề cho học sinh dễ học theo đề cương chi tiết 11 môn học dự bị đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư 48/2012/TT-BGDĐT ban hành ngày 11 tháng 12 năm 2012).

Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) gắn với nhiệm vụ được giao, chủ yếu tập trung vào việc viết giáo trình, nghiên cứu phương pháp giảng dạy môn học, các chuyên đề môn học, nghiên cứu giảng dạy với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Trường luôn khuyến khích các giảng viên nâng cao chất lượng và số lượng đề tài nghiên cứu khoa học và xem như là một giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, hiệu quả đào tạo. Vì vậy, mỗi năm số lượng đề tài nghiên cứu khoa học ngày càng tăng, Đặc biệt, trong năm học 2015 – 2016 có 23 đề tài NCKH và 20 sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) được Hội đồng khoa học của Trường nghiệm thu.

3. Về công tác quản lý học sinh và đảm bảo môi trường sư phạm

Trường đã thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả cuộc vận động “Hai không”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Dân chủ – kỷ cương – tình thương – trách nhiệm” trong đó tiêu chí “tình thương” là chủ đạo.

Trường phổ biến đến toàn thể học sinh các Quy chế, Quy định liên quan đến học sinh qua tuần “Sinh hoạt Chính trị – Công dân” đầu năm học. Cuối mỗi năm học, Nhà trường tổ chức công khai việc chọn trường và chọn ngành học đại học cho các học sinh hệ DBĐH Dân tộc, bảo đảm dân chủ và công bằng.

Hệ thống giáo viên chủ nhiệm, giám thị hoạt động hiệu quả, bảo vệ môi trường học tập; kịp thời phối hợp với phụ huynh học sinh giải quyết những trường hợp học sinh lười học, bỏ tiết, nghỉ nhiều; gửi giấy báo điểm và tình hình học tập của học sinh cho gia đình, được phụ huynh học sinh đánh giá tốt. Các Tổ bộ môn phân công giáo viên trực giải đáp thắc mắc cho học sinh tại văn phòng của bộ môn. Ngoài ra, Phòng Đào tạo phối hợp cùng Đoàn Thanh niên và Ban quản lý Ký túc xá tổ chức tự học cho học sinh tại Ký túc xá nhằm tạo nề nếp học tập cho học sinh-sinh viên.

Việc quản lý ăn, ở của học sinh tại Ký túc xá của Trường là rất chặt chẽ, có nề nếp; Ban quản lý Ký túc xá thường xuyên tổ chức phong trào xây dựng nếp sống văn minh, phòng ở sạch đẹp không để các tệ nạn xã hội lây lan vào Ký túc xá; tổ chức cho học sinh tập thể dục buổi sáng, hoạt động thể dục, thể thao và văn nghệ, chiếu phim phục vụ vào thứ bảy hàng tuần; đảm bảo vệ sinh thực phẩm, nước uống, bảo vệ tốt sức khỏe của học sinh – sinh viên.

Việc bảo đảm an ninh chính trị, ngăn ngừa tác động không tốt từ tình hình Tây Nguyên, Tây Nam, phòng chống ma túy được thực hiện hiệu quả nhờ sự phối hợp giữa Trường, Công an các cấp, phòng Đào tạo, phòng Tổ chức – Hành chính – Chính trị, Ký túc xá, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phòng Y tế, giáo viên chủ nhiệm và cả giảng viên đứng lớp. Trong việc này Trường nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Ủy ban nhân dân và Công an Phường 9, Công an Quận 5 và Công an Thành phố.

Nhà trường thực hiện đúng chế độ học bổng, học phí và các chế độ ưu đãi cho học sinh Dự bị đại học Dân tộc và dùng nguồn thu hợp pháp trợ cấp cho các học sinh khó khăn về tài chính, trợ cấp khó khăn đột xuất cho học sinh khi đau ốm. Hằng năm, nhà trường luôn nỗ lực tìm nguồn học bổng cho học sinh DBĐH; kết quả là mỗi năm có khoảng 100 học bổng do ngân hàng Công Thương Việt nam chi nhánh Quận 5, quỹ học bổng Vừ A Dính của báo Tiền phong và các nhà tài trợ khác …, góp phần cải thiện đời sống cho HS và động viên HS học tập tốt.

5. Về hoạt động của Đảng bộ và các tổ chức đoàn thể

Qua 40 năm, Đảng bộ trường luôn thể hiện tốt vai trò hạt nhân chính trị với các đảng viên gương mẫu, đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ; Đảng bộ liên tục đạt danh hiệu ‘Cơ sở Đảng trong sạch – vững mạnh’ và được Thành ủy TP. Hồ Chí Minh công nhận là Cơ sở Đảng trong sạch – vững mạnh tiêu biểu ba năm liền (giai đoạn 2010-2012). Đảng bộ trường đã nhận được sự chỉ đạo và hỗ trợ rất lớn từ Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

Công đoàn Trường đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống cán bộ, viên chức cả về vật chất lẫn tinh thần, tổ chức nhiều phong trào thi đua dạy tốt, văn nghệ, thể thao, du lịch hàng năm; nắm bắt tâm tư nguyện vọng, góp phần ổn định tư tưởng, chính trị của cán bộ viên chức Nhà trường. Công đoàn và Nhà trường cũng đã vận động quyên góp xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương và tổ chức các hoạt động từ thiện khác như góp gạo giúp đỡ người già neo đơn, ủng hộ bệnh nhân nghèo, quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt miền Trung, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi đợt rét ở phía Bắc…; thăm và tặng quà Tết cho các gia đình thương binh, liệt sĩ ở Bến Tre, Củ Chi, Trà Vinh mà Trường đã xây nhà tình nghĩa, tình thương và các phong trào quyên góp ủng hộ biển đảo. Công tác nữ công cũng được thực hiện khá tốt, Công đoàn Trường sử dụng có hiệu quả quỹ “Vì sự tiến bộ và sức khỏe của phụ nữ”, giúp chị em trong học tập, nâng cao trình độ và giảm bớt công việc nặng nhọc ở gia đình và trong nhiều năm qua không có trường hợp nào sinh con thứ 3. Công đoàn Trường được đánh giá là Công đoàn “Vững mạnh – Xuất sắc” nhiều năm liền.

Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trường đã tổ chức hoạt động vừa đáp ứng tốt phong trào Đoàn của Thành phố vừa phù hợp đặc điểm, nhu cầu thanh niên của Trường, các phong trào của Đoàn Thanh niên góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Nhà trường qua các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống; các hoạt động chăm lo cho thanh niên như: giúp bạn học yếu, tổ chức hội thảo về học tập và tham gia quản lý việc tự học của học sinh Dự bị đại học Dân tộc, quyên góp trao học bổng “Thắp sáng ước mơ”;  các hoạt động tình nguyện như: quyên góp ủng hộ bão lụt, gia đình liệt sĩ, trẻ em nghèo…. Đoàn Thanh niên Trường được Thành Đoàn công nhận là “Đoàn trường xuất sắc” nhiều năm liền và được nhận nhiều Bằng khen của Trung ương Đoàn, đặc biệt Đoàn Thanh niên Trường được nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2008.

6. Về Công tác xây dựng cơ sở vật chất – chăm lo đời sống

a. Về cơ sở vật chất

Nhà trường hiện có:

  • Ký túc xá: diện tích sàn xây dựng 5.435 m2; diện tích phòng ở 2.378 m2, gồm 1080 chỗ ở.
  • Nhà học và làm việc: diện tích sàn xây dựng 1.600 m2; diện tích phòng làm việc 640 m2, gồm 21 phòng.
  • Nhà lớp học: 5 tầng diện tích sàn xây dựng 5.435 m2; diện tích phòng học 2.464 m2 (trong đó Trường đóng góp 1/3 kinh phí xây dựng từ nguồn thu tự có của Trường).
  • Nhà đa chức năng: diện tích sàn xây dựng 1.227 m2; diện tích sân thi đấu 1.123 m2 , đáp ứng đầy đủ các hoạt động văn nghệ, thể thao và sinh hoạt tập thể.
  • Phòng thí nghiệm: diện tích sử dụng 224 m2, gồm 3 phòng, được đầu tư thiết bị khá hiện đại, đáp ứng yêu cầu các giờ học thực hành các môn khoa học tự nhiên và phục vụ tốt công tác nghiên cứu khoa học cho giảng viên.
  • Thư viện: diện tích sử dụng 144 m2 với phòng đọc 100 chỗ; số đầu sách là gần 10.000; năng lực phục vụ khoảng 2.500 lượt/tháng.
  • Phòng máy vi tính: diện tích sử dụng khoảng 210 m2, gồm 3 phòng với 140 máy vi tính.

Tài sản của Trường được quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả, không để hư hỏng, thất thoát, lãng phí trong suốt quá trình hoạt động của Trường.

Trường đã có được mặt bằng thông thoáng, bảo đảm môi trường sư phạm; được Ủy ban nhân dân quận 5, thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn “Công sở Văn minh – Sạch đẹp – An toàn” liên tục nhiều năm liền.

b. Về công tác chăm lo đời sống

Thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Thủ tướng, Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính, thu nhập từ hoạt động chính là giảng dạy và hợp tác đào tạo Nhà trường đã đảm bảo được mức thu nhập của CB – VC cũng như trích trợ cấp khó khăn cho học sinh Dự bị đại học dân tộc.

Việc phân phối các nguồn thu nhập là công khai, được Hội nghị cán bộ, viên chức nhất trí, bảo đảm đoàn kết nội bộ tốt, tạo được sự ổn định đời sống – động lực quan trọng để đảm bảo được chất lượng, hiệu quả đào tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Bộ và Nhà nước giao.

Nhà trường cùng Công đoàn rất quan tâm đến đời sống tinh thần của cán bộ, viên chức; đã tổ chức cho cán bộ, viên chức sinh hoạt chính trị, học tập các Nghị quyết, chủ trương, chính sách; được phục vụ báo chí, văn nghệ, đi tham quan, du lịch hàng năm. Nhà trường xác định việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, viên chức và học sinh, sinh viên là mục tiêu quan trọng, là nhân tố tích cực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, giữ vững kỷ cương, ổn định và phát triển.

Quay lên


PHẦN III
PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÀ NHIỆM VỤ TRONG NHỮNG NĂM TỚI

Mục tiêu của Trường đến năm 2020 là tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả trong việc tạo nguồn cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để đưa vào đại học, cao đẳng; góp phần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các vùng khó khăn còn hạn chế về thụ hưởng giáo dục; đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ dạy ngoại ngữ cho sinh viên được Nhà nước tuyển chọn đi du học nước ngoài (chủ yếu là tại Liên bang nga); dạy tiếng Việt và Dự bị đại học cho sinh viên nước ngoài để vào học ở các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh; tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt với hai nước Lào và Campuchia, nếu điều kiện cho phép thì mở rộng đển nước khác.

Nhận thức rằng, các Trường Dự bị đại học là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống giáo dục quốc dân, đã được khẳng định trong điều 61 Luật giáo dục năm 2005. Do đó Trường Dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh luôn phấn đấu để khẳng định mình là một bộ phận quan trọng trong hệ thống giáo dục. Trong tương lai, khi điều kiện cho phép, Trường sẽ đề nghị Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ cho chuyển thành trường đại học Dân tộc hay Học viện Dân tộc ở phía Nam để đáp ứng tốt hơn cho sự nghiệp giáo dục của đất nước, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng chịu nhiều thiệt thòi về giáo dục, góp phần nhiều hơn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục khẳng định.

Các giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu trên là

  • Đảng bộ và toàn thể đảng viên, cán bộ, viên chức tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nỗ lực xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, luôn là hạt nhân đoàn kết cán bộ, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ của Trường.
  • Xây dựng đề án đổi mới mọi mặt của Trường đến năm 2020 từ đó xây dựng chương trình làm việc từng năm học để đảm bảo hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ được giao.
  • Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức; động viên giảng viên, viên chức học tập chuyên môn, ngoại ngữ và nâng cao trình độ để thi nâng ngạch lên giảng viên chính hay chuyên viên chính.
  • Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, phấn đấu nâng cao chất lượng đầu ra đối với học sinh Dự bị đại học, đáp ứng tốt yêu cầu học tập ở đại học; đổi mới phương pháp dạy ngoại ngữ, tiếng Việt để lưu học sinh và du học sinh có thể học tốt năm thứ nhất ở các trường đại học ở trong nước và nước ngoài. Đồng thời tăng cường việc hợp tác đào tạo và hợp tác quốc tế.
  • Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tốt cho giảng dạy, quản lý, học tập. Bộ và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng ý về nguyên tắc cấp 10 ha đất tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè cho Trường để mở rộng. Hiện Trường và nhiều trường đại học, cao đẳng khác đang chờ Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chuyển giao mặt bằng; khi nào có mặt bằng, Trường sẽ xin kinh phí của Bộ và của Thành phố để xây dựng thêm cơ sở vật chất nhằm phục vụ tốt hơn cho việc đào tạo ngưồn nhân lực cho đất nước.
  • Công đoàn Trường và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, viên chức và học sinh – sinh viên.

Bốn mươi năm qua, trường Dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh luôn được sự quan tâm, giúp đỡ có hiệu quả của Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Thành uỷ, Ủy ban nhân dân và các sở, ban, ngành của TP. Hồ Chí Minh, của Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, của các tỉnh phía Nam, của các đối tác và của các trường bạn; đặc biệt là sự tin cậy, tín nhiệm của nhân dân, của xã hội đối với Nhà trường. Đây cũng là sự động viên, cổ vũ hết sức lớn lao  đối với Nhà trường.

Bốn mươi năm qua, toàn thể cán bộ, viên chức của trường đã nỗ lực xây dựng và phát triển Nhà trường, đạt được những thành tích nhất định. Đó là kết quả của những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của nhiều thế hệ thầy, trò và cán bộ, viên chức Nhà trường. Nhiều thế hệ thầy, cô, cán bộ, viên chức Nhà trường qua nhiều năm cống hiến; nay có người còn đang công tác, có người đã nghĩ hưu, có người chuyển công tác, có người đã vĩnh viễn ra đi… nhưng những đóng góp của các thầy, cô, anh, chị sẽ mãi là dấu ấn cho Trường và cho những thế hệ tiếp nối, tiếp tục phát triển đi lên cùng với sự phát triển của đất nước.

Kỷ niệm 40 năm thành lập Trường, chúng ta nguyện tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Trường, các thầy cô giáo luôn nỗ lực dạy tốt, các em học sinh-sinh viên luôn cố gắng học tốt để hòa mình vào thời kỳ hội nhập, mạnh dạn vươn lên về mọi mặt, góp phần tích cực vào quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Nguyễn Cương – Dương Công Minh – Nguyễn Thanh Sơn – Lê Hữu Thức

Print Friendly, PDF & Email

Comments are closed.